Bệnh Chlamydia

Tờ thông tin

Chlamydia là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhiều người bị nhiễm bệnh không có triệu chứng nhiễm trùng nhưng vẫn có thể lây truyền bệnh. Nếu không điều trị, bệnh Chlamydia có thể dẫn đến tình trạng vô sinh và các biến chứng khác.

Bệnh Chlamydia là gì?

Chlamydia là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) rất phổ biến. Bệnh này do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra. Nhiễm trùng có thể xảy ra ở cổ họng, niệu đạo (đường dẫn nước tiểu), cổ tử cung (lỗ mở của tử cung), trực tràng và mắt.

Triệu chứng bệnh Chlamydia là gì?

Các triệu chứng có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi nhiễm trùng, bao gồm: Bệnh Chlamydia thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng. Nếu quý vị có triệu chứng, chúng có thể xuất hiện sau 2 đến 14 ngày kể từ khi nhiễm bệnh.

Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • khí hư âm đạo bất thường
  • dương vật tiết ra dịch
  • chảy máu âm đạo hoặc ra máu sau khi quan hệ tình dục hoặc giữa các kỳ kinh nguyệt thường lệ
  • đau trong khi hoặc sau khi quan hệ tình dục
  • đau vùng chậu
  • đau hậu môn hoặc tiết dịch.

Nếu không điều trị, bệnh chlamydia có thể gây ra những biến chứng trầm trọng bao gồm:

  • Nếu quý vị có tử cung (dạ con):
    • bệnh viêm vùng chậu hoặc PID (khi tử cung và ống dẫn trứng bị nhiễm trùng)
    • dính vùng chậu (các vết sẹo khiến các mô trong vùng chậu dính lại với nhau) gây ra đau vùng chậu mạn tính
    • vô sinh (không có khả năng thụ thai) do tổn thương tử cung hoặc ống dẫn trứng bởi mô sẹo
    • thai ngoài tử cung (khi thai phát triển ở ống dẫn trứng thay vì ở trong tử cung)
    • lây nhiễm cho con quý vị trong khi sinh con dẫn đến viêm kết mạc (viêm mắt) hoặc viêm phổi (nhiễm trùng phổi)
  • viêm mào tinh hoàn (viêm ống dẫn từ tinh hoàn)
  • sưng và đau khớp
  • viêm kết mạc hoặc viêm mắt
  • viêm ruột thẳng (viêm trực tràng).

Ai có nguy cơ dễ mắc bệnh Chlamydia nhất?

Tất cả những người hoạt động tình dục đều có nguy cơ bị lây nhiễm. Những người có nguy cơ dễ mắc bệnh Chlamydia nhất là:

  • thanh niên trẻ
  • người có quan hệ tình dục không an toàn với người bị bệnh chlamydia
  • những người có nhiều bạn tình
  • bất kỳ ai gần đây đã được chẩn đoán mắc bất cứ bệnh lây truyền qua đường tình dục nào (STI).

Quý vị có thể bảo vệ bản thân khỏi bị các biến chứng bệnh chlamydia bằng cách:

  • thường xuyên kiểm tra bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) với bác sĩ của quý vị
  • nếu mang thai, hãy xét nghiệm tất cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) trong các lần khám thai để ngăn ngừa lây nhiễm cho con trong lúc sinh nở.

Chẩn đoán bệnh chlamydia như thế nào?

Chlamydia là bệnh lây truyền qua đường tình dục dễ chẩn đoán và chữa khỏi. Bác sĩ hoặc y tá của quý vị sẽ lấy:

  • mẫu nước tiểu (đi tiểu vào cái lọ nhỏ)
  • mẫu xét nghiệm bằng que phết từ âm đạo, dương vật, niệu đạo, hậu môn, trực tràng hoặc cổ họng. Những mẫu xét nghiệm bằng que phết này thường có thể tự lấy và không đòi hỏi quý vị phải được bác sĩ chăm sóc sức khỏe kiểm tra.

Sau đó, nước tiểu hoặc que phết sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm. Hiện tại chưa có xét nghiệm tự kiểm tra đáng tin cậy nào được chấp thuận để sử dụng ở Úc.

Ngay cả khi quý vị không có triệu chứng, kiểm tra sức khỏe tình dục thường xuyên vẫn là điều rất quan trọng. Có thể tìm hiểu thêm thông tin về kiểm tra sức khỏe tình dục tại Sexual Health Check-up (Kiểm tra Sức khỏe Tình dục).

Hãy gọi đến healthdirect (1800 022 222) để tìm dịch vụ xét nghiệm gần nơi quý vị cư ngụ.

Điều trị bệnh Chlamydia như thế nào?

Bệnh Chlamydia có thể dễ dàng chữa khỏi bằng một đợt thuốc kháng sinh. Điều trị bằng thuốc doxycycline 100mg x 2 lần một ngày trong 7 ngày. Một phương pháp điều trị khác là dùng một liều thuốc azithromycin 1g duy nhất Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh cho quý vị.

Điều quan trọng là phải đến gặp bác sĩ/cơ sở cung cấp chăm sóc sức khỏe của quý vị để được điều trị. Nếu các triệu chứng tái phát hoặc không thuyên giảm, quý vị hãy quay trở lại gặp bác sĩ hoặc y tá để được giúp đỡ.

Nhiễm lại bệnh Chlamydia là phổ biến. Ngay cả sau khi đã điều trị thành công, quý vị vẫn có thể bị tái nhiễm nếu quan hệ tình dục không an toàn với người bị bệnh chlamydia. Điều quan trọng là phải xét nghiệm lại sau 3 tháng điều trị để đảm bảo quý vị không bị tái nhiễm.

Tôi nên làm gì nếu tôi xét nghiệm dương tính bệnh chlamydia?

Nếu bị bệnh Chlamydia, quý vị cần:

  • phải điều trị ngay lập tức
  • nói chuyện với bác sĩ hoặc y tá về những bạn tình mà quý vị nghĩ có thể có nguy cơ mắc bệnh; bác sĩ hoặc y tá có thể giúp quý vị liên hệ với họ theo cách cá nhân và hoặc ẩn danh
  • thông báo cho tất cả bạn tình trong vòng 6 tháng qua và không quan hệ tình dục với những bạn tình này cho đến khi họ đã xét nghiệm và điều trị nếu bị nhiễm bệnh.

Để biết thêm thông tin

  • Sexual Health Infolink (SHIL) (Đường dây Thông tin về Sức khỏe Tình dục) cung cấp dịch vụ trợ giúp sức khỏe tình dục miễn phí và bảo mật, bao gồm đường dây trợ giúp bảo mật hoạt động từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, từ 9 giờ sáng đến 5 giờ 30 chiều theo số 1800 451 624.
  • Play Safe dành cho thanh thiếu niên để giúp họ tìm hiểu thông tin về quan hệ tình dục an toàn và phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs).
  • Let them know để được tư vấn và trợ giúp trong việc theo dõi liên hệ một cách ẩn danh và bảo mật đối với tất cả bạn tình của quý vị.
  • Better to Know cho Thổ dân và người Dân đảo Torres Strait để giúp họ tìm hiểu thông tin về các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) và nơi xét nghiệm. Trang mạng này cũng cung cấp một biện pháp để quý vị có thể nói cho các bạn tình của quý vị biết mà không cho họ biết quý vị là ai.
  • International Student Health Hub (Trung tâm Sức khỏe cho Du Học sinh) dành cho du học sinh để giúp họ tìm hiểu về tình dục an toàn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs), biện pháp tránh thai và mang thai.
  • Family Planning NSW Talkline (Đường dây Kế Hoạch Hóa Gia Đình NSW) cung cấp thông tin và tư vấn về sức khỏe tình dục và sinh sản. Dịch vụ này miễn phí, bảo mật và hoạt động từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối qua số 1300 658 886.
Current as at: Wednesday 16 April 2025
Contact page owner: Specialist Programs