Tờ thông tin
HIV là loại vi-rút gây tổn thương hệ thống miễn dịch. Vi-rút này lây truyền qua dịch cơ thể. Hiện có phương pháp điều trị nhiễm HIV, nhưng chưa có vắc-xin và thuốc chữa khỏi. AIDS là giai đoạn cuối của nhiễm HIV.
HIV là gì?
HIV hay vi-rút gây suy giảm miễn dịch ở người (human immunodeficiency virus) ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Vi-rút này lây truyền qua dịch cơ thể và dần dần phá hủy các tế bào bạch cầu trong cơ thể, vốn thường giúp cơ thể khỏe mạnh và chống lại sự nhiễm trùng.
Mặc dù hiện nay vẫn chưa có vắc-xin hoặc thuốc chữa trị, nhưng HIV là căn bệnh mạn tính có thể đối phó được. Với phương pháp điều trị hiệu quả, người nhiễm HIV có thể sống thọ và khỏe mạnh.
Phương pháp điều trị HIV hiệu quả làm giảm lượng vi-rút xuống mức rất thấp nên không thể phát hiện được bằng xét nghiệm tải lượng vi-rút. Điều này có nghĩa là virus không thể phát hiện được trong cơ thể. Nếu không phát hiện được vi-rút, quý vị sẽ không thể lây truyền sang bạn tình của mình miễn là quý vị tiếp tục điều trị HIV. Điều này gọi là Không phát hiện = Không lây truyền hoặc U=U.
HIV lây truyền như thế nào?
- quan hệ tình dục đường hậu môn hoặc âm đạo không có biện pháp bảo vệ (không dùng bao cao su hoặc màng chắn miệng)
- dùng chung dụng cụ tiêm chích ma túy (kim tiêm, ống tiêm và các dụng cụ tiêm chích khác)
- mẹ lây truyền sang con trong thời kỳ mang thai, sinh nở hoặc cho con bú, nếu người mẹ có tải lượng vi-rút có thể phát hiện được
- thương tích do vật sắc nhọn đặc biệt là ở nhân viên y tế.
HIV không lây truyền qua các hoạt động như hôn, dùng chung cốc và dao kéo, tiếp xúc xã hội thông thường, bệ ngồi toilet hoặc muỗi.
Triệu chứng của HIV là gì?
Khoảng 70% số người bị nhiễm HIV sẽ có các triệu chứng. Các triệu chứng ban đầu thường xuất hiện khoảng 2 tuần sau khi tiếp xúc. Đây gọi là bệnh chuyển đổi huyết thanh.
Các triệu chứng ban đầu phổ biến bao gồm:
- sốt
- phát ban
- tuyến bị sưng
- đau cổ họng
- mệt mỏi
- đau nhức cơ và khớp
- tiêu chảy.
Sau những triệu chứng ban đầu này, người bị nhiễm HIV thường không có triệu chứng trong nhiều năm; nhưng vi-rút vẫn tồn tại trong cơ thể.
Nếu không điều trị, HIV có thể gây ra tình trạng suy giảm miễn dịch trầm trọng, bao gồm nhiễm trùng và ung thư. Giai đoạn cuối của nhiễm HIV này gọi là hội chứng suy giảm miễn dịch không bẩm sinh (AIDS).
Ai có nguy cơ dễ bị nhiễm HIV nhất?
Ở Úc, người có nguy cơ dễ bị nhiễm HIV nhất là:
- đồng tính nam, song tính và những nam giới có quan hệ tình dục với nam giới
- người chuyển giới nam và người chuyển giới và đa dạng giới tính có quan hệ tình dục với nam giới
- người tiêm chích ma túy và dùng chung kim tiêm
- bất kỳ ai gần đây được chẩn đoán mắc phải bất kỳ bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI)
- người từng bị giam giữ
- người đã đi du lịch đến những khu vực có tỷ lệ nhiễm HIV cao (như Châu Phi cận Sahara, Nam Sudan, Mauritius, Châu Mỹ, Đông Âu hoặc Thái Lan) và có hành vi mang tính nguy cơ dễ nhiễm bệnh, đặc biệt là quan hệ tình dục không an toàn với người chưa rõ tình trạng về HIV.
- người từ các quốc gia có HIV phổ biến, chẳng hạn như người tị nạn mới đến Úc, người tầm trú và người đến Úc với tư cách nhập cư theo diện nhân đạo hoặc những người có trường hợp giống người tị nạn
- người đã xăm hình hoặc xỏ khuyên ở nước ngoài bằng thiết bị không được khử trùng
- người đã được truyền máu ở quốc gia mà nguồn cung cấp máu không an toàn (máu và các sản phẩm từ máu rất an toàn ở Úc).
Làm thế nào để tôi bảo vệ bản thân khỏi bị HIV?
Nhiễm HIV có thể ngăn ngừa bằng cách:
- luôn sử dụng bao cao su và chất bôi trơn gốc nước khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn và âm đạo
- không bao giờ dùng chung kim tiêm, ống tiêm hoặc các dụng cụ tiêm chích khác
- chỉ xăm hình hoặc xỏ khuyên cơ thể khi quý vị chắc chắn rằng thiết bị là vô trùng
- sử dụng biện pháp dự phòng trước khi tiếp xúc (pre-exposure prophylaxis (PrEP)) nếu quý vị có nguy cơ cao bị nhiễm HIV
- PrEP là thuốc viên dành cho người có nguy cơ cao bị nhiễm HIV. Thuốc này rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm HIV, nhưng không giúp quý vị tránh khỏi các bệnh khác lây truyền qua đường tình dục (STIs). Hãy trao đổi với cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc phòng khám sức khỏe tình dục về PrEP.
- sử dụng biện pháp dự phòng sau khi tiếp xúc (post-exposure prophylaxis (PEP)) nếu quý vị đã từng tiếp xúc gần với người bị nhiễm HIV
- PEP là thuốc giúp ngăn ngừa HIV lây nhiễm cho người khác sau khi tiếp xúc. Tốt nhất là bắt đầu dùng PEP càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là trong vòng 72 giờ (3 ngày) sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm HIV. Quý vị nên tiếp tục dùng thuốc trong 4 tuần sau khi tiếp xúc với nguồn gây bệnh. Để biết thêm thông tin về PEP, hãy trao đổi với cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của quý vị hoặc gọi đến đường dây nóng về PEP theo số 1800 737 669.
- Trao đổi với bác sĩ và bạn tình về U=U nghĩa là Không phát hiện = Không lây truyền. Đây là trường hợp người nhiễm HIV dùng thuốc điều trị HIV đúng cách có thể ức chế được vi-rút, do đó tải lượng vi-rút (lượng vi-rút họ có) sẽ không thể phát hiện được. Người có tải lượng vi-rút không phát hiện được không thể lây truyền vi-rút cho bạn tình có HIV âm tính.
Chẩn đoán HIV như thế nào?
Xét nghiệm HIV được khuyến nghị cho bất kỳ ai nghĩ rằng mình có nguy cơ bị lây nhiễm. Chúng tôi khuyến nghị rằng người đồng tính nam, song tính và những người đàn ông khác có quan hệ tình dục với nam giới (GBMSM), phụ nữ chuyển giới và người có giới tính đa dạng có quan hệ tình dục với nam giới nên xét nghiệm thường xuyên.
Có 3 loại xét nghiệm HIV có thể sử dụng để chẩn đoán HIV.
- Xét nghiệm máu: bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra HIV. Máu được gửi đến phòng xét nghiệm và có thể mất vài ngày mới có kết quả.
- Xét nghiệm kháng thể nhanh: Bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm này bằng cách lấy máu từ ngón tay. Kết quả sẽ có trong vòng 20 phút hoặc nhanh hơn.
- Tự kiểm tra: Có thể thực hiện xét nghiệm này tại nhà hoặc bất cứ nơi nào quý vị cảm thấy thoải mái bằng cách thức tương tự như xét nghiệm kháng thể nhanh. Kết quả sẽ có trong vòng 20 phút hoặc nhanh hơn.
Không có xét nghiệm HIV nào có thể phát hiện HIV ngay sau khi bị nhiễm. Nguyên nhân là do giai đoạn cửa sổ, là khoảng thời gian từ lúc tiếp xúc với HIV đến thời điểm xét nghiệm có thể phát hiện HIV trong cơ thể quý vị. Giai đoạn cửa sổ phụ thuộc vào loại xét nghiệm HIV. Xét nghiệm nhanh và tự kiểm tra thường mất nhiều thời gian hơn xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để phát hiện việc bị lây nhiễm gần đây. Điều này có nghĩa là kết quả xét nghiệm của quý vị có thể là âm tính trong khi quý vị đang bị lây nhiễm. Quý vị có thể cần phải xét nghiệm lại ngay cả khi có kết quả âm tính để biết chắc chắn mình có bị nhiễm HIV hay không.
Điều quan trọng là phải luôn quan hệ tình dục an toàn và tiêm chích an toàn trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm. Giảm nguy cơ tiếp xúc và bị lây nhiễm trong tương lai bằng cách quan hệ tình dục và tiêm chích an toàn sau khi nhận kết quả.
Xét nghiệm tự kiểm tra HIV Atomo là xét nghiệm tự kiểm tra duy nhất được Cơ quan Quản Lý Sản Phẩm Trị Liệu (TGA) tại Úc chấp thuận. Điều quan trọng là chỉ sử dụng các xét nghiệm tự kiểm tra HIV được TGA chấp thuận, như vậy quý vị biết rằng xét nghiệm này chính xác và an toàn khi sử dụng. Quý vị có thể mua bộ xét nghiệm tự kiểm tra Atomo trực tuyến và tại một số tiệm thuốc tây.
Tất cả các xét nghiệm nhanh và tự kiểm tra đều phải được xác nhận bằng xét nghiệm máu. Nếu quý vị có kết quả xét nghiệm dương tính, hãy liên hệ ngay với bác sĩ/cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để được hỗ trợ và xét nghiệm thêm nhằm xác nhận kết quả. NSW Sexual Health Infolink (Đường dây Thông tin về Sức khỏe Tình dục NSW) có thể tư vấn và hỗ trợ bằng cách gọi đến 1800 451 624.
Gọi đến healthdirect (1800 022 222) để tìm dịch vụ xét nghiệm gần nơi quý vị cư ngụ.
Điều trị HIV như thế nào?
Hiện chưa có vắc-xin và thuốc chữa khỏi HIV, tuy nhiên, điều trị bằng liệu pháp kháng vi-rút (antiretroviral therapy, ART) có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa tổn thương hệ miễn dịch do HIV gây ra. Liệu pháp kháng vi-rút (ART) ngăn chặn vi-rút sinh sôi và gây hại cho cơ thể.
Ngoài ra, người nhiễm HIV dùng liệu pháp kháng vi-rút (ART) theo chỉ định có thể đạt được tải lượng vi-rút không thể phát hiện, nghĩa là quý vị không thể lây truyền vi-rút cho bạn tình. Người bị nhiễm HIV nếu tuân thủ điều trị hàng ngày có thể sống một cuộc sống trọn vẹn và lâu dài.
Có nhiều phương pháp điều trị liệu pháp kháng vi-rút (ART) cho người bị nhiễm HIV. Bác sĩ sẽ thảo luận với quý vị về phương pháp điều trị nào là tốt nhất cho quý vị.
Tôi nên làm gì nếu xét nghiệm HIV là dương tính?
- đặt lịch hẹn với cơ sở chăm sóc sức khỏe hoặc phòng khám sức khỏe tình dục tại địa phương để hiểu rõ các bước tiếp theo. Cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể đề nghị quý vị làm thêm các xét nghiệm trước khi bắt đầu điều trị.
- nói chuyện với nhân viên tư vấn hoặc nhân viên đồng bạn khi quý vị mới nhận được chẩn đoán vì quý vị có thể trải qua những cảm xúc mạnh mẽ
- hãy nghĩ đến người bạn tình mà quý vị cần thông báo. Thảo luận với bác sĩ hoặc y tá về những người bạn tình mà quý vị nghĩ có thể có nguy cơ. Bác sĩ hoặc y tá có thể giúp quý vị liên lạc với họ theo cách cá nhân hoặc ẩn danh.
- nếu quý vị mang thai, hãy trao đổi với cơ sở chăm sóc sức khỏe về bắt đầu điều trị ART để ngăn ngừa lây truyền sang em bé trong lúc mang thai, sinh nở hoặc cho con bú. Hãy đọc thêm về HIV và thai kỳ.
Để biết thêm thông tin